Sơ lược bối cảnh Văn_học_Kiến_An

Chính sự nhà Hán kể từ thời Hán Hoàn Đế (132-167, ở ngôi: 146-167) ngày càng rối ren. Sang thời Hán Linh Đế (156-189, ở ngôi: 168-189) thì mức độ của sự rối ren đó đã thật sự nghiêm trọng. Vua chúa thì nhu nhược (hư vị), để mặc giới hoạn quan, ngoại thích tranh nhau quyền lợi; giới quý tộc thì hà hiếp, cướp bóc kẻ yếu để làm giàu...khiến người dân phải gánh chịu nhiều tai ách.

Trong bối cảnh ấy, năm 184, Trương Giác (140?-184) khởi binh chống triều đình. Sử nhà Hán gọi là "giặc" Hoàng Cân (Khăn vàng) - tuy thanh thế rất mạnh, nhưng sớm bị các tướng lĩnh và quân phiệt địa phương đánh dẹp.

Tiếp theo, Đổng Trác (132-192) chuyên quyền, các châu quận nổi lên đánh Đổng Trác và rồi binh quyền dần qua tay Tào Tháo hết. Tào Tháo tự tôn là Ngụy Vương, mượn tiếng phò nhà Hán để củng cố địa vị của mình. Lưu Bị (161-223) và Tôn Quyền (182-252) không phục, mỗi người chiếm một nơi, Lưu Bị ở Ba Thục, Tôn Quyền ở Đông Ngô, hình thành cái thế chân vạc.

Tháng 10 năm 220, ngay sau khi Hán Hiến Đế (181-234, ở ngôi: 189-220) bị phế, nhà Hán cáo chung, ba nước Tào Ngụy (của họ Tào), Thục Hán (của họ Lưu) và Đông Ngô (của họ Tôn) lần lượt được thành lập, đồng thời bắt đầu cuộc nội chiến tranh hùng lẫn nhau liên tục trong 60 năm (220-280).

Thời đại ấy (Hán mạt) trong văn học sử gọi là thời Kiến An.[2]